Nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân (CN), người khó khăn về nhà ở tại tỉnh đang rất lớn. Tuy vậy, số nhà ở này hiện chỉ đáp ứng khoảng 19% so với nhu cầu. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng khoảng 500.000 căn, đến năm 2030 xây dựng khoảng 1.000.000 căn NƠXH cho CN và người khó khăn về nhà ở.
Nhu cầu về nhà ở xã hội
Toàn tỉnh có khoảng 234.570 CN, lao động đang làm việc tại 22 khu công nghiệp (KCN) và 23 cụm công nghiệp (CCN); 30.000 người thu nhập thấp khó khăn về nhà ở. Tuy vậy, hiện tỉnh chỉ có 3 dự án nhà ở cho CN đã đưa vào sử dụng tại KCN Long Hậu, KCN Tân Đức và Công ty Cổ phần Dệt Đông Quang tại KCN Hải Sơn.
Quy mô 3 dự án NƠXH trên xây dựng 1.574 căn trên diện tích 59.997m2 và 20.000 căn nhà trọ, quy mô 300.000m2 diện tích sàn, bố trí cho khoảng 35.000 CN, lao động. Với số lượng như kể trên hiện chỉ đáp ứng khoảng 19% so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, tỉnh còn có 13 dự án nhà ở CN đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai.
Như vậy, giai đoạn 2021 – 2030, nhu cầu về NƠXH trên địa bàn tỉnh rất lớn, khoảng 169.000 CN và người khó khăn về nhà. Do đó, Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND, ngày 24/8/2020. Trong đó, có định hướng nhu cầu phát triển NƠXH cho CN bảo đảm đáp ứng nhu cầu nêu trên.
Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 194.000m2, tương ứng với 4.848 căn (mỗi căn khoảng 40m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 40% CN và người khó khăn về nhà ở; giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng 291.000m2, tương ứng với 7.272 căn (mỗi căn khoảng 40m2), đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 60% CN có khó khăn về nhà ở
Đề án nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030
Giám đốc Sở Xây dựng – Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhu cầu về NƠXH cho CN, người khó khăn về nhà ở hiện nay rất lớn và chưa đáp ứng hết. Đây cũng là một trong những khó khăn của tỉnh thời gian qua. Để khắc phục khó khăn này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan thực hiện các mục tiêu: Đến năm 2025, xây dựng khoảng 500.000 căn NƠXH cho CN và người khó khăn về nhà ở, giải quyết được khoảng 50% số CN có nhu cầu về nhà ở tại các K,CCN. Định hướng đến năm 2030, xây dựng khoảng 1.000.000 căn NƠXH cho CN và người khó khăn về nhà ở, giải quyết được khoảng 100% số CN có nhu cầu về nhà ở tại các K,CCN.
Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán lập Đề án phát triển NƠXH dành cho CN giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, tại Quyết định số 1530/QĐ-UBND, ngày 22/02/2022. Hiện nay, Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn để thu thập thông tin số liệu từ các địa phương và đã khảo sát thực tế các huyện trọng điểm có K,CCN.
Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn đang tổng hợp xử lý số liệu và viết đề án, dự kiến sau khi chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2045 thông qua HĐND tỉnh vào tháng 7/2022, sẽ trình lấy ý kiến dự thảo đề án và hoàn thiện đề án trong quí III/2022.
Khó khăn trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, tỉnh hiện gặp khó khăn trong đầu tư NƠXH cho CN. Một là, hiện nay, phát triển NƠXH cần rất nhiều kinh phí để đầu tư, trong khi ngân sách của tỉnh thời gian qua chưa thể cân đối để bố trí nguồn vốn đầu tư NƠXH, cần phải đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Hai là, phát triển NƠXH yêu cầu chất lượng nhà phải tốt nhưng giá thành rẻ, phù hợp với người có thu nhập thấp. Mặt khác, NƠXH còn bị khống chế về đối tượng và mức lợi nhuận không được vượt quá 10%. Do đó, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư NƠXH, làm cho các dự án NƠXH chậm triển khai, thực hiện.
Ba là, mặc dù NƠXH đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, giá bán thường thấp hơn giá nhà ở thương mại cùng loại trên thị trường từ 20 – 30% nhưng do mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, CN, lao động tại các KCN, gia đình trẻ còn hạn chế nên rất khó khăn trong việc mua nhà ở. Bốn là, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 58 Luật Nhà ở và khoản 8, Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, có quy định rất nhiều chính sách để phát triển NƠXH. Trong đó, bao gồm: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở CN; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp xây dựng NƠXH để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê mua, bán; được UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, trường hợp xây dựng NƠXH để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam, trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở để cho thuê mua, bán.
Đặc biệt, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình nhằm tập trung triển khai, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT – XH, ưu tiên cho các đối tượng được hỗ trợ: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Trong đó, có nội dung thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội: Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua NƠXH, nhà ở cho CN,…
Tổng nguồn vốn cho vay 15.000 tỉ đồng. Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 – 2023 thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp xây dựng NƠXH, nhà cho CN mua, thuê và thuê mua. Do đó, các nhà đầu tư bất động sản sẽ sớm tiếp cận nguồn vốn này, là động lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án NƠXH.
Các giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội
Với những khó khăn trong xây dựng NƠXH cho CN và người khó khăn về nhà ở, Sở Xây dựng kiến nghị các giải pháp để thu hút đầu tư NƠXH, cụ thể: Về quỹ đất, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, UBND các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm dành quỹ đất cho phát triển NƠXH, nhà ở CN.
Về quy hoạch, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng rà soát, bổ sung các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế; K,CCN phải bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển NƠXH. Khi tham mưu lập, thẩm định quy hoạch các khu đô thị mới, KCN mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải bố trí khu đất quy hoạch NƠXH, nhà ở CN, nhà ở sinh viên cùng với các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao,… theo quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn, UBND tỉnh đã giao Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính cân đối bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư các kết cấu hạ tầng thiết yếu: Trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục – thể thao trong và ngoài các dự án NƠXH, đặc biệt là tại các khu vực có đông CN và người lao động./.
Theo dõi MUA BÁN ĐẤT BÌNH CHÁNH để nhận thêm nhiều tin tức mới nhất về Bất động sản nhé!
Mai Hương
Theo Báo Long An